BPO – Dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt đời sống xã hội khiến nhiều doanh nghiệp (DN) rơi vào tình thế khó khăn chưa từng có từ trước đến nay. Thế nhưng, tại Bình Phước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của đa số DN vẫn ổn định, đặc biệt có nhiều DN đã thành công nhờ đổi mới, sáng tạo và có giải pháp linh hoạt vừa chống dịch vừa sản xuất, kinh doanh.
“Cái khó ló cái khôn”
Công ty TNHH cao su Thuận Lợi, huyện Đồng Phú là DN thuộc top đầu cả nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu mủ cao su vào các thị trường lớn, khó tính như: châu Âu, Mỹ, Bắc Mỹ. Thời gian qua, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp để duy trì ổn định đời sống cho 400 công nhân và không đứt gãy chuỗi cung ứng như hợp đồng cam kết.
Theo ông Võ Quang Thuận, Giám đốc Công ty TNHH cao su Thuận Lợi, trong bối cảnh các DN cả nước bị tác động của đại dịch, nhiều đơn vị phải dừng hoạt động thì tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn giữ vững ổn định, trong đó có Công ty TNHH cao su Thuận Lợi. Điều này chứng tỏ giải pháp phòng, chống dịch của tỉnh rất tốt, linh hoạt và sáng tạo. Đặc biệt khi Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch bệnh Covid-19 được ban hành và một số quy định kèm theo trước đó như cho công nhân cao su đi cạo mủ từ 3 giờ sáng thì đã tháo gỡ nút thắt khó khăn đầu vào cho DN. Các hoạt động sản xuất, chế biến diễn ra bình thường và công nhân, người lao động có thu nhập ổn định. Trong thời gian này, mặc dù Công ty TNHH cao su Thuận Lợi hoạt động không có lãi do chi phí đầu vào cao, chi phí đi lại, ăn, ở, nhà xưởng, test Covid-19 cho công nhân tăng khi thực hiện phương án “3 tại chỗ”… Thế nhưng, DN vẫn duy trì hoạt động để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, không “bội tín” với đối tác, khách hàng.
Ông Võ Quang Thuận chia sẻ, như ông cha ta thường nói “trong cái khó ló cái khôn”, những tháng qua là thời điểm DN “tự xem lại mình”, cắt giảm những chi phí không cần thiết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch mua bán, niêm phong hàng hóa, đặc biệt là tăng lòng tin và uy tín của DN bằng chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, mỗi ngày công ty cung ứng ra thị trường từ 400-500 tấn mủ cao su thành phẩm. Dự kiến hết năm 2021, DN xuất khẩu khoảng 110 ngàn đến 120 ngàn tấn.
Cần sự hỗ trợ đồng bộ từ nhiều phía
Là DN vừa và nhỏ mới khởi nghiệp, mỗi ngày Công ty TNHH Vinahe, thị xã Phước Long cung cứng ra thị trường 200 sản phẩm hạt điều chế biến sâu các loại. Để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc công ty cho biết, DN rất vui khi nhận được sự hỗ trợ giảm, giãn thuế theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Đạt, để DN khôi phục sản xuất và hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Theo đó, công tác phòng, chống dịch phải tiếp tục linh hoạt, chủ động theo Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; đội ngũ y tế cần nâng cao năng lực khám và điều trị. Bên cạnh chính sách về thuế thì lãi suất ngân hàng cũng được DN quan tâm. Đối với lãi suất của một số DN không hoạt động trong hơn 3 tháng bùng phát dịch vừa qua, nên cho tăng thêm hạn mức tín dụng đối với tài sản đảm bảo của DN, cho giãn nợ nhưng không coi đó là nợ xấu để DN có vốn phục hồi sản xuất. “Một vấn đề mà các DN đặc biệt quan tâm nhất hiện nay là tạo điều kiện cho công nhân được tiêm vắc xin để yên tâm lao động sản xuất, bởi đây là lực lượng nòng cốt, sống còn của công ty” – Giám đốc Công ty TNHH Vinahe Nguyễn Hoàng Đạt đề nghị.
Vững tinh thần, niềm tin “ra trận”
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với các lực lượng khác, Công ty TNHH 123 Hùng Vương (TP. Đồng Xoài) đã cử nhiều nhân viên đến tuyến đầu lấy mẫu xét nghiệm, truy vết F0, vào bệnh viện dã chiến, tham gia trạm y tế lưu động cùng chống dịch và đóng góp vào Quỹ nhân viên y tế tham gia chống dịch. “Là DN thuộc tuyến đầu chống dịch nên chúng tôi nâng cấp độ phòng chống dịch lên trước một bước, ổn định tư tưởng, tinh thần và thu nhập để các y, bác sĩ của công ty yên tâm chống dịch. Với trách nhiệm và lòng tự hào nghề nghiệp, đây là lúc Tổ quốc cần, đất nước cần và chúng tôi xác định luôn đặt lợi ích của cộng đồng và sức khỏe nhân dân lên trên hết, trước hết” – bác sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH 123 Hùng Vương khẳng định.
Công ty TNHH 123 Hùng Vương đã trang bị tốt nhất cho nhân viên để ứng phó với dịch, bởi đặc thù công việc là tiếp xúc với F0, F1 và có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào. Nhờ vậy, cán bộ, nhân viên của công ty không nao núng, có thái độ làm việc rất tốt với tinh thần xung kích, tình nguyện cao.
Covid-19 đã tác động rất lớn đến các lĩnh vực kinh tế – xã hội của cả nước. Đa số DN ở Bình Phước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản, là những DN vừa và nhỏ, gặp nhiều gánh nặng về chi phí nhà xưởng, nhân công… Thế nhưng, các DN này đã nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh ngay cả trong dịch bệnh để đầu ra không bị ngưng trệ, chuỗi cung ứng không bị đứt gãy và đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động. Đây là điều rất đáng tự hào.
Với chính sách cởi mở, thông thoáng, đặc biệt tỉnh cam kết luôn đồng hành với các nhà đầu tư, DN và gần đây nhất UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, tiếp tục sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư… Tin rằng, khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới thì đây sẽ là cơ sở vững chắc để các DN Bình Phước bứt phá thành công.