Nhiều năm nay, ngành điều Việt Nam luôn giữ vị trí số 1 về chế biến và xuất khẩu trên thế giới. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), dự kiến kim ngạch xuất khẩu hạt điều Việt Nam năm 2018 đạt 3,7 tỷ USD, tăng 80 triệu USD so với năm 2017, chiếm khoảng 65% thị phần xuất khẩu hạt điều nhân toàn cầu. Riêng tỉnh Bình Phước, kim ngạch xuất khẩu hạt điều nhân mang về 762,2 triệu USD với sản lượng 86.300 tấn, tăng 5,76% so với năm 2017. Tuy nhiên nếu xét về chuỗi giá trị mang lại thì người nông dân chịu khá nhiều thiệt thòi, chỉ nhận được 30-35% lợi nhuận dù bỏ ra nhiều chi phí và công chăm sóc, phần còn lại rơi vào tay các nhà thương mại hoặc chế biến chuyên sâu.
Bình Phước được xem là cái nôi của ngành chế biến và xuất khẩu hạt điều mang tầm quốc tế. Thế nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh không đủ nguồn vốn dự trữ hạt điều dẫn đến tình trạng xuất khẩu ồ ạt để xoay vòng vốn, vô tình tạo nên thị trường ảo cung vượt cầu, thương lái nước ngoài ép giá, cả doanh nghiệp và người trồng điều đều bất lợi. Giám đốc Công ty TNHH Vinahe (phường Phước Bình, TX. Phước Long) Nguyễn Hoàng Đạt cho biết, trong thế giới phẳng của thời đại 4.0, các doanh nghiệp nước ngoài hiểu rất rõ giá nguyên liệu, công chế biến và năng lực tài chính của các doanh nghiệp trong nước. Hầu hết các doanh nghiệp chế biến hạt điều của Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung đều xuất khẩu thô. Các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu rồi chế biến sâu bán ra thị trường với thương hiệu của mình, nên người tiêu dùng chưa biết nhiều đến thương hiệu hạt điều Bình Phước. Thay vì chủ động, đoàn kết, siết tay nhau cùng hướng đến lợi ích của ngành điều và người trồng điều thì các doanh nghiệp ồ ạt xuất khẩu, mạnh ai nấy làm dẫn đến tình trạng tự đánh mất thương hiệu và lợi ích vốn có của hạt điều trong nước. Bởi vậy, việc chế biến sản phẩm hạt điều chuyên sâu, tạo sự khác biệt trong chuỗi giá trị thương mại và định vị lại thương hiệu cho hạt điều Bình Phước là vô cùng cần thiết trong xu thế hội nhập toàn cầu của hạt điều.
Trong chuyến du lịch, nhà doanh nghiệp trẻ Nguyễn Hoàng Đạt tình cờ được một đầu bếp người Ý truyền nghề rang, chiên hạt điều để rồi anh nảy sinh ý tưởng kinh doanh chế biến hạt điều chuyên sâu với hy vọng định vị lại giá trị thương hiệu cho hạt điều và người trồng điều của tỉnh Bình Phước. Tổng kinh phí đầu tư dây chuyền công nghệ dành riêng cho công đoạn rang, chiên theo tiêu chuẩn ISO và HACCP lên đến 5 tỷ đồng. Nhà chế biến Nguyễn Hoàng Đạt đang tạo dựng thương hiệu hạt điều mang tên Vinahe với 5 loại sản phẩm được chế biến chuyên sâu, cung cấp đến tay người tiêu dùng bằng các kênh phân phối điện tử.
Thời đại 4.0 nên hành vi và thói quen của người tiêu dùng cũng thay đổi nhanh chóng. Trong đó, xu hướng lựa chọn thực phẩm sạch, có lợi cho sức khỏe là nhu cầu tất yếu của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Hiểu được điều này, thương hiệu Vinahe (Vietnam Healthy) đang thực hiện chiến lược đi từ điểm lẻ hướng về trung tâm, nghĩa là tạo dựng thương hiệu, uy tín sản phẩm trong nhận thức của người tiêu dùng trước khi đi vào siêu thị hoặc xuất khẩu trực tiếp sang thị trường nước ngoài. Giới kinh doanh gọi cách làm này là chiến lược “Đại dương xanh”. Vinahe lựa chọn nguyên liệu sạch có nguồn gốc từ Bình Phước qua quy trình chế biến nghiêm ngặt khép kín có sự kết hợp giữa phương pháp thủ công và hiện đại trong môi trường sản xuất lý tưởng.
Với phương châm “Uy tín tạo nên thương hiệu”, sự khác biệt trong nhận thức dẫn đến khác biệt trong sản phẩm, doanh nghiệp trẻ mang tên Vinahe đang từng bước khẳng định vị thế và thương hiệu bằng cách chế biến chuyên sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm vì sức khỏe người tiêu dùng. Tin chắc rằng một ngày không xa, ngành điều Bình Phước sẽ có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới tư duy trong kinh doanh, chủ động nắm bắt nhu cầu và thị hiếu khách hàng như Vinahe đang thực hiện để tạo dựng và nâng cao chuỗi giá trị thương hiệu cho hạt điều Bình Phước bằng chính nội lực của doanh nghiệp.